Black Myth: Wukong - Game máy tính Trung Quốc ‘biến hóa’ doanh nghiệp siêu nhỏ vụt lớn thành kỳ lân

Black Myth: Wukong hiện là game máy tính (trò chơi máy tính) bán chạy nhất và có thể trở thành một trong những game thành công nhất từ ​​trước đến nay. Thành công vang dội của nhà phát triển Trung Quốc đến từ đâu?

Black Myth: Wukong - Game máy tính Trung Quốc ‘biến hóa’ doanh nghiệp siêu nhỏ vụt lớn thành kỳ lân
Black Myth: Wukong - Game máy tính Trung Quốc ‘biến hóa’ doanh nghiệp siêu nhỏ vụt lớn thành kỳ lân. (Ảnh chụp màn hình)

Thế mạnh của Black Myth: Wukong (tạm dịch: Hắc thần thoại: Ngộ không) là ngay từ khi ra đời nó đã sẵn sàng bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó, tiếng Anh chỉ là một trong nhiều khả năng để dễ dàng tiếp cận với nhiều người ở các quốc gia có tiếng nói khác nhau. Kể từ khi phát hành vào ngày 20/8 vừa qua, Games này đã nhanh chóng vượt xa các "bom tấn" trước đó như Cyberpunk 2077 và Elden Ring về doanh số bán ra ban đầu, tính theo hầu hết các thước đo.

Black Myth: Wukong - thậm chí đã nhận được lời khen ngợi từ người “cuồng game” nổi tiếng nhất thế giới - tỷ phú Elon Musk. Trong một dòng tweet gần đây, tỷ phú Musk dùng từ trò chơi "ấn tượng”, đồng thời đính kèm một bức ảnh ông trong vai Tôn Ngộ Không.

Đứng sau Black Myth: Wukong là Studio Game Science có trụ sở tại Thâm Quyến, từng “vô danh” khi rất ít người biết đến. Forbes ước tính, ngay sau khi cho ra đời "đứa con cưng", studio nhỏ bé được thành lập vào năm 2014 này nhanh chóng đạt giá trị 1,8 tỷ USD và gia nhập câu lạc bộ độc quyền của các kỳ lân - các công ty khởi nghiệp có giá trị hơn 1 tỷ USD.

Nhà sáng lập Feng Ji, 42 tuổi, tự nhận là một người nghiện game, là cổ đông cá nhân lớn nhất của Game Science, đã tích lũy được khối tài sản khoảng 770 triệu USD từ cổ phần của chính mình, theo ước tính của Forbes.

Black Myth: Wukong gây ấn tượng mạnh trên thị trường game bởi chỉ trong 3 ngày, bán được 10 triệu bản trên mọi nền tảng, với 3 triệu người chơi cùng lúc. Đây là môt cột mốc mà hầu hết trò chơi trực tuyến hiện nay chưa thể chạm tới.

Black Myth: Wukong đang trên đà đạt doanh số lên tới 35 triệu bản chỉ trong năm nay, tạo ra tổng doanh thu hơn 1 tỷ USD. Con số này "quá đủ" để trang trải số tiền ước tính 400 triệu Nhân dân tệ (khoảng 56 triệu USD) được sử dụng để phát triển trò chơi trong 6 năm.

So sánh sản phẩn của nhà phát hành Trung Quốc này với các "đàn anh" mới thấy rõ 'bom tấn" Black Myth: Wukong có độ lan tỏa mạnh đến mức nào. Như Elden Ring, do FromSoftware của Nhật Bản phát triển và giành giải thưởng Trò chơi của năm danh giá tại Hội nghị các nhà phát triển trò chơi năm 2023 ở San Francisco, mới bán được khoảng 25 triệu bản kể từ khi phát hành cách đây hơn hai năm.

Hay trò chơi hành động Grand Theft Auto, được phát hành cách đây hơn một thập kỷ và là một trong những thương hiệu game phổ biến nhất từ ​​trước đến nay, được cho là đã bán hơn 200 triệu bản trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của một doanh nghiệp siêu nhỏ từng "vô danh" càng trở nên nổi bật hơn khi nó nhận được hậu thuẫn đáng kể, trong bối cảnh trước đó, các quan chức Trung Quốc thường đổ lỗi cho ngành công nghiệp trò chơi trị giá 46 tỷ USD của đất nước này góp phần gây nên nhiều tệ nạn xã hội, như nghiện game ở giới trẻ.

Trên thực tế, người chơi Trung Quốc thích các trò chơi nhóm trên máy di động, hơn trò chơi đơn trên PC - một xu hướng khiến các gã khổng lồ nước này như NetEase và Tencent thường tập trung vào các sản phẩm dành cho điện thoại thông minh, chứ không phải PC.

Nhưng đối với "game bom tấn" Black Myth: Wukong có chút khác biệt. Stan Zhao, một nhà phân tích tại Công ty nghiên cứu Blue Lotus Capital Advisors có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã có chút điều chỉnh lập trường về Black Myth: Wukong và trao cho nó "sự hỗ trợ chưa từng có" vì cốt truyện dựa trên "Tây Du Ký" - bắt nguồn từ văn hóa dân gian.

Giới quản lý tin rằng, Black Myth: Wukong có thể giúp quảng bá văn hóa truyền thống Trung Quốc ra nước ngoài. Hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã gần đây còn mô tả trò chơi này như là "một bước nhảy vọt đáng kể lên sân khấu toàn cầu".

Thậm chí, doanh số bán hàng khủng của game "bom tấn" này được kỳ vọng có thể góp phần thúc đẩy mức tiêu thụ và giúp nền kinh tế quốc gia đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là khoảng 5% - mục tiêu vốn đang rất khó khăn.

Không chỉ có vậy, bên cạnh việc chi tiêu cho trò chơi hấp dẫn này, người hâm mộ đang có xu hướng đến thăm các ngôi đền cổ và các địa điểm khác có trong Black Myth: Wukong, làm tăng lượng đặt phòng khách sạn và chuyến bay.

Nhiều hoạt động kinh doanh ăn theo khác cũng thành công bất ngờ. Chẳng hạn, tháng trước, ngay sau khi chuỗi cửa hàng cà phê Luckin giới thiệu Monkey King trên bao bì một loại cà phê Americano, hệ thống đặt hàng lập tức "bị sập" do lượng đơn hàng đến dồn dập.

Nhà nghiên cứu cấp cao Cui Chenyu, tại công ty Nghiên cứu và tư vấn Omdia có trụ sở tại Thượng Hải phân tích, "thành công của Black Myth: Wukong thực sự là nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố". Từ cách chơi, sự quen thuộc, cảm tình của mọi người với Monkey King (Vua khỉ) và cả sự quảng bá mạnh mẽ trong nước... tất cả đều có vai trò quan trọng.

Về nhà phát triển Game Science, chủ nhân của Black Myth: Wukong, theo các phương tiện truyền thông địa phương, vị doanh nhân này từng trốn học để chơi game và đã từng chi gần hết tiền tiết kiệm của mình vào trò chơi di động World of Warcraft của Blizzard Entertainment. Feng Ji cũng từng từ bỏ cơ hội học thạc sĩ về kỹ thuật y sinh tại Đại học Khoa học và công nghệ Hoa Trung của Trung Quốc, nơi anh đã có bằng cử nhân trong lĩnh vực này.

Thay vào đó, năm 2005, Feng Ji nhận làm việc tại một studio game nhỏ ở Thâm Quyến - một trung tâm công nghệ của Trung Quốc. Ba năm sau, anh vào làm việc cho Tencent (tập đoàn hàng đầu Trung Quốc về lĩnh vực công nghệ, trong đó game là một lợi thế), chỉ đạo phát triển Asura - một trò chơi di động dựa trên truyền thuyết về Tôn Ngộ Không. Dù ban đầu nhận được nhiều đánh giá tốt, nhưng tựa game đó đã thất bại vì bị chê về giá.

Sau đó, Feng rời Tencent và cùng sáu đồng nghiệp cũ thành lập Game Science vào năm 2014.

Năm 2021, Game Science tung ra đoạn giới thiệu cho Black Myth: Wukong, Tencent đã đầu tư một khoản tiền không được tiết lộ để nắm giữ 5% cổ phần. Các phương tiện truyền thông địa phương ước tính khoản đầu tư này là 350 triệu NDT.

Mới đây, như giới truyền thông bình luận, việc "ông trùm" Ma Huateng của Tencent đứng sau hậu thuẫn Black Myth: Wukong vừa lấy lại ngôi vị - người giàu nhất Trung Quốc, cũng là nhờ thành công vang dội của tựa game "hot" này.

Black Myth: Wukong đã giúp cổ phiếu Tencent khởi sắc. Cùng sự hồi sinh của ngành game Trung Quốc và những cam kết hỗ trợ từ Bắc Kinh, giá cổ phiếu Tencent đã được đẩy lên mức cao chưa từng thấy, kể từ thời đỉnh cao của các công ty internet trong đại dịch Covid-19.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.com.vn/black-myth-wukong-game-may-tinh-trung-quoc-bien-hoa-doanh-nghiep-sieu-nho-vut-lon-thanh-ky-lan-a106427.html