Thành phố Hồ Chí Minh: Tập trung gỡ vướng các dự án trọng điểm

Sân bay Tân Sơn Nhất, tuyến đường sắt đô thị số 1, các tuyến đường Vành đai 2, 3, 4 và nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm tại thành phố Hồ Chí Minh đang được các bộ, ngành và thành phố Hồ Chí Minh tập trung gỡ vướng sau thời gian dài chậm tiến độ. Đây là những cơ sở hạ tầng quan trọng để thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương liên quan sớm có thêm những điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều dự án vẫn còn vướng...

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh đang chờ được Bộ Quốc phòng giao đất để Bộ Giao thông Vận tải triển khai xây nhà ga T3, giảm áp lực quá tải lâu nay. Cũng tại khu vực này, thành phố đang chờ được giao đất để làm đường nối nhà ga T3 với hệ thống giao thông bên ngoài, nâng cao hiệu quả công trình. “Dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa sát sân bay Tân Sơn Nhất được thành phố Hồ Chí Minh đề xuất từ năm 2016, nhưng chưa thể thực hiện, vì đi qua phần đất do Bộ Quốc phòng quản lý”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.

Còn tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dù đã hoàn thành hơn 83% khối lượng công việc, nhưng thành phố vẫn đang phải chờ các bộ, ngành thống nhất giá trị thanh toán khoản vay bằng tiền yên Nhật hay tiền đồng Việt Nam, để có căn cứ tiếp tục giải ngân cho công trình. Theo ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh, dự án tuyến metro số 1 vẫn chưa thể giải ngân hơn 4.600 tỷ đồng, phần nào đã ảnh hưởng đến tiến độ.

Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải đang có nhiều dự án tồn đọng tại thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý trong số này là các đường Vành đai 2 (chưa khép kín, vì còn 15km chưa hoàn thành); Vành đai 3 (mới hoàn thành hơn 16/94km) và đường Vành đai 4 (dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng đến năm 2021 vẫn đang nằm... trên giấy). Đây là những tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế nhiều địa phương nơi tuyến đi qua, như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.

Ngoài những dự án kể trên, còn nhiều dự án do các bộ, ngành trung ương triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh gặp vướng mắc. Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, thông tin: “Sở đã và đang tiếp tục tham mưu báo cáo UBND thành phố có văn bản gửi các bộ, ngành trung ương và Chính phủ sớm gỡ vướng cho nhiều dự án trên địa bàn thành phố”.

Đẩy nhanh các giải pháp

Mới đây, Bộ Quốc phòng đã có văn bản đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế thực hiện trước việc bàn giao đất để Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) xây dựng nhà ga T3. Về đường nối đường Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa dẫn vào nhà ga T3, dù Bộ Quốc phòng đã thống nhất với thành phố Hồ Chí Minh về hướng tuyến, nhưng còn phải chờ Bộ Quốc phòng có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao đất quốc phòng. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Chúng tôi hy vọng sớm được giao đất để triển khai và hoàn thành tuyến đường này trước 3 tháng so với thời điểm nhà ga T3 chính thức hoạt động”.

Về việc giải quyết các vướng mắc tại dự án metro số 1, mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị chấp thuận chủ trương phê duyệt quyết định điều chỉnh đầu tư Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, trong đó xác định vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương và vay lại đối với vốn vay ODA cho dự án bằng tiền đồng Việt Nam theo ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có chỉ đạo nội dung liên quan và Bộ Tài chính đang thẩm định hồ sơ.

Về các dự án đường Vành đai 2, 3, 4, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa có báo cáo đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, trong đó có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tham mưu Chính phủ dành nguồn lực tương xứng để triển khai hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, tháo điểm nghẽn cho sự phát triển của các địa phương trong vùng.

Về vấn đề này, tại cuộc họp diễn ra ngày 14-5 giữa các bộ, ngành liên quan và các địa phương nơi có các tuyến đường vành đai của thành phố Hồ Chí Minh đi qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo: “Chúng ta phải quyết tâm làm nhanh, quyết liệt. Thành phố Hồ Chí Minh cần có đường Vành đai 2 trước năm 2022. Đường Vành đai 3 phải xong trước năm 2025. Vành đai 4 hoàn thành càng sớm càng tốt, đừng để kéo dài đến năm 2030”.

Theo báo HNMO

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.com.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-tap-trung-go-vuong-cac-du-an-trong-diem-a4308.html