Năm 2022 thu hơn 255 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc

Sáng 30/12/2022, tại TP. HCM, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – chi nhánh phía Nam (VCPMC – CNPN) long trọng tổ chức Lễ tổng kết hoạt động năm 2022. Được biết, tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc VCPMC thu về hơn 255 tỷ đồng.

Trải qua chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, đến nay Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) (thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam) đã từng bước hoàn thiện, trở thành một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả (trong lĩnh vực âm nhạc) hoạt động hiệu quả và có uy tín đối với các thành viên trong nước cũng như quốc tế.

Đón tuổi 20 đầy hân hoan, Trung tâm VCPMC đã và sẽ mãi là “mái nhà chung” nơi các nhạc sỹ, tác giả tin tưởng ủy thác và đồng hành, là “cánh tay nối dài” cho hoạt động quản lý nhà nước trong công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam.

Quang cảnh buổi Lễ tổng kết năm 2022 của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC)

Cụ thể, số lượng thành viên ký hợp đồng ủy quyền năm 2022 tăng thêm 341 tác giả so với năm trước. Tổng số thành viên ủy quyền tại VCPMC đến nay là 5.312 tác giả. Hiện VCPMC đang thực hiện cấp phép và thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đối với hơn 20 lĩnh vực sử dụng âm nhạc, bao gồm: biểu diễn nghệ thuật, phát thanh-truyền hình, sản xuất chương trình truyền hình, sản xuất, phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát hành trực tuyến, website và app nhạc, mạng xã hội, nhạc chuông nhạc chờ, sao chép quảng cáo, nhạc phim, phương tiện giao thông, các lĩnh vực dịch vụ có sử dụng nhạc tại các địa điểm kinh doanh…

Trong năm 2022, tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 29/12/2022, tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc VCPMC đã thu (chưa bao gồm thuế GTGT) là: 255.818.844.010 đồng (tăng 61% so với năm 2021), chạm mục tiêu đã đề ra tương đương con số 10 triệu USD/năm.

Nhạc sĩ  Đinh Trung Cẩn – tổng giám đốc VCPMC phát biểu tại buổi Lễ

Tại Lễ tổng kết, nhạc sĩ  Đinh Trung Cẩn – tổng giám đốc VCPMC chia sẻ : “Trong năm qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn tiến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động âm nhạc. Nhiềuthời điểm Trung tâm đứng trước ranh giới phải cho nghỉ hàng loạt nhân viên để giảm chi phí, là người “đầu tàu” tôi rất chua xót và đau đớn nếu như bắt buộc phải thực hiện điều này vì nghiệt ngã quá!…”

Tuy nhiên, nhờ mạnh dạn thay đổi và sáng tạo trong việc kết nối với các nền tảng website và app nhạc, mạng xã hội để phục vụ thị trường trong giai đoạn đặc biệt của tâm dịch, đã kéo được nguồn kinh tế kịp thời giúp cho các gia đình và bản thân tác giả vẫn có thu nhập. Theo đó báo cáo tổng kết cuối năm vẫn thu về những kết quả khả quan. Nếu năm 2021 kết thúc, chỉ đứng thứ 4 toàn cầu thì năm 2022  với tổng 2 nguồn thu – VCPMC vươn lên đứng đầu thế giới (đặc biệt là Quý 4 đã phân phối thu về gần 100 tỷ).

Năm vừa qua, VCPMC đã giữ liên lạc thường xuyên với các CMO quốc tế để trao đổi tình hình cấp phép, lưu trữ và thanh toán, xác nhận dữ liệu tác phẩm – tác giả, xử lý xâm phạm quyền tác giả, tham dự các cuộc họp trực tuyến với các tổ chức quốc tế; làm việc, trao đổi với CISAC và các CMO, đàm phán các hợp đồng hợp tác. Hiện nay, Trung tâm đã ký thoả thuận hợp tác với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền với phạm vi điều chỉnh ở 154 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tổng giám đốc VCPMC, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn gửi thư cảm ơn và hoa đến tập thể, cá nhân xuất sắc của VCPMC

Theo kế hoạch, giai đoạn năm 2023 và những năm tiếp theo, VCPMC sẽ tham gia vào sáng kiến cấp phép chung lĩnh vực biểu diễn công cộng với các đối tác quyền liên quan (Joint Licensing) cụ thể là: Hội bảo vệ Quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), Universal Music Pte., Sony Music… và nhiều đối tác chiến lược khác.

Ngoài ra, nhanh chóng hoàn thiện phiên bản mới website và ứng dụng (app) VCPMC; thường xuyên cập nhật dữ liệu tác giả – tác phẩm trên hệ thống lưu trữ, đối soát và phân phối; cập nhật dữ liệu tra cứu thông tin tác giả – tác phẩm. Phối hợp và hướng dẫn các tác giả thành viên cập nhật tác phẩm, rà soát độc quyền, rà soát các link video vi phạm quyền tác giả; hỗ trợ tác giả các vấn đề pháp lý, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp trong các giao dịch

Tham dự và tham gia góp ý tại các hội thảo, lấy ý kiến các Dự thảo về sửa đổi bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định hướng dẫn, Nghị định về nhuận bút, thù lao cho tác giả…

Thực hiện các công việc kế toán, tài chính, nghĩa vụ thuế, báo cáo thuế, kiểm toán theo quy định của pháp luật; nộp hộ thuế thu nhập cá nhân theo ủy quyền của tác giả; tuyển dụng, đào tạo nhân sự; rà soát, hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ, quy trình công việc. Nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng và đảm bảo quyền lợi của các chủ sở hữu quyền theo quy định và hướng dẫn của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành.

Ngọc ANh

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.com.vn/nam-2022-thu-hon-255-ty-dong-tien-tac-quyen-am-nhac-a45835.html