xuân

Gã khổng lồ Foxconn đầu tư 383 triệu USD xây nhà máy mới sản xuất bảng bo mạch tại KCN của Kinh Bắc (KBC)

Tổng công suất dự án là 2.793.000 sản phẩm/năm tương đương 2.989 tấn/năm.

Ngày 06/06, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án FCPV Foxconn Bắc Ninh tại Khu công nghiệp Nam Sơn – Hạp Lĩnh, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Theo thông tin mới nhất, ngày 17/6/2024, Foxconn Singapore PTE LTD có trụ sở tại Singapore - một công ty con của Tập đoàn Foxconn -  đã thành lập Công ty TNHH Bảng mạch chính xác Foxconn (Việt Nam) là tổ chức kinh tế thực hiện dự án tại Việt Nam.

Dự án “Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh” được đầu tư với mục tiêu là sản xuất linh kiện điện tự, chi tiết: Sản xuất, lắp ráp, gia công bảng mạch in PCB (bo mạch in) với tổng công suất là 2.793.000 sản phẩm/năm tương đương 2.989 tấn/năm. Tổng diện tích đất thực hiện dự án là 142.693,3 m² với tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 9.456,75 tỷ đồng VNĐ tương đương 383,33 triệu USD.

Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh là một trong những khu công nghiệp tại Bắc Ninh của Tập đoàn Phát triển Thành phố Kinh Bắc.

photo-1719154474261

Trước đó, vào tháng 6/2023, Foxconn được cấp giấy chứng nhận đầu tư 250 triệu USD cho hai nhà máy sản xuất linh kiện xe điện ở Quảng Ninh. Ngoài ra, cũng có thông tin công ty con của Foxconn, ShunSin Technology, dự đầu tư 20 triệu USD để thành lập công ty bán dẫn mới có tên ShunSin Technology (Việt Nam).

Foxconn bắt đầu đầu tư tại Việt Nam vào năm 2007 bằng việc xây dựng nhà máy ở Khu công nghiệp Quế Võ. Đến nay, Foxconn đã có nhà máy tại các khu công nghiệp Quế Võ, Đại Đồng – Hoàn Sơn, VSIP tại Bắc Ninh; khu công nghiệp Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu tại Bắc Giang và khu công nghiệp Đông Mai tại Quảng Ninh với tổng số nhân lực hơn 60.000 công nhân viên, kỹ sư và chuyên gia. Tính tới tháng 2/2024, Foxconn đã đầu tư 3,2 tỷ USD vào Việt Nam.

Foxconn được thành lập tại Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 1974, có nền tảng là sản xuất khuôn mẫu, sau đó từng bước phát triển thành một doanh nghiệp dịch vụ công nghệ cao. Tập đoàn này đứng đầu thế giới trong lĩnh vực dịch vụ điện tử (EMS), với thị phần hơn 40%, bao gồm bốn lĩnh vực sản phẩm chính: hàng điện tử tiêu dùng, điện toán đám mây, thiết bị đầu cuối máy tính, linh kiện và các lĩnh vực khác.

Trong thời kì cao điểm, tổng số nhân viên toàn cầu của hãng là khoảng một triệu người.

Tới nay, Foxconn sở hữu các trung tâm nghiên cứu và sản xuất tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, bao gồm Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia… Hãng cũng là chủ nhân của gần 55.000 bằng sáng chế trong nhiều lĩnh vực.