xuân

Đề xuất 'thiến hoá học' tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Nhịp Sống Sài Gòn

"Đưa hình thức thiến hóa học vào chế tài xử phạt, tôi dự đoán ít nhất giảm được 50% số vụ xâm hại tình dục trẻ em", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.

Báo cáo dài 58 trang của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về phòng, chống xâm hại trẻ em được Quốc hội thảo luận trực tuyến trong phiên họp ngày 27/5.

Những con số biết nói trong báo cáo đem lại cho các đại biểu một bức tranh toàn cảnh về thực trạng xâm hại trẻ em gây nhức nhối lâu nay, song cũng mang lại nhiều cảm xúc, từ đau đớn, xót xa đến căm phẫn.

Đề nghị thiến hoá học, công khai danh tính

Trong giai đoạn từ 2015 đến 2019, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác.

Trong các vụ xâm hại này, phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ.

Đáng lưu ý, qua giám sát tại một số địa phương cho thấy đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, xấp xỉ 90%.

Đề xuất 'thiến hoá học' tội phạm xâm hại tình dục trẻ em - 1

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương đề xuất thiến hoá học tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: Hải Quân.

“Đọc báo cáo thấy nhiều vấn đề nóng mà rất buồn. Qua tiếp xúc cử tri, nhắc đến vấn đề này ai cũng rùng mình, bức xúc, ám ảnh, mong xử lý triệt để, nghiêm khắc đối tượng xâm hại trẻ em”, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình nói.

Theo ông, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em còn một số tồn tại.

Nhiều quy định trong tội “ấu dâm” chưa rõ ràng, chưa có phòng xử án thân thiện, chưa có cơ chế điều tra phù hợp với đối tượng trẻ em, chưa có sự đồng thuận của chính gia đình nạn nhân. Có những vụ án xâm phạm trẻ em nhưng người nhà đã thỏa thuận, che giấu, không dám tố cáo.

Từ thực trạng ấy, đại biểu tỉnh Quảng Bình đề nghị mở rộng hình thức xử phạt như “thiến hóa học”, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh vào hồ sơ lý lịch… để răn đe.

"Hình thức thiến hóa học đã có nhiều nước trên thế giới làm. Nếu đưa hình thức này vào chế tài xử phạt, tôi dự đoán ít nhất sẽ giảm được 50% số vụ xâm hại tình dục trẻ em", ông Phương nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) chia sẻ “bất cứ ai cũng có nhiều cảm xúc khi đọc thông tin và số liệu về xâm hại trẻ em trong báo cáo, trong đó người thân xâm hại con em mình không còn cá biệt”.

Song theo bà, báo cáo dù khá toàn diện vẫn chưa thể phản ánh đầy đủ thực trạng. Nhiều trường hợp chưa được phát hiện kịp thời, nhất là bạo lực gia đình và vẫn còn “vùng ẩn” trong công tác theo dõi, thống kê.

Từ phân tích trên, nữ đại biểu đồng tình với kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH theo dõi việc thống kê trên phạm vi cả nước; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan trong năm 2020 ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em.

Trẻ em không thể chống đỡ khi bị xâm hại bởi người thân

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cảnh báo tình trạng nhức nhối khi trẻ em bị xâm hại tình dục, không chỉ xuất hiện ở nông thôn, vùng sâu xa, khó khăn mà còn ở nơi kinh tế - xã hội phát triển, để lại hậu quả nặng nề đối với người bị hại, gia đình và xã hội.

Đề xuất 'thiến hoá học' tội phạm xâm hại tình dục trẻ em - 2

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp Phạm Văn Hoà. Ảnh: Hải Quân.

Dẫn số liệu từ báo cáo của đoàn giám sát nêu ra trung bình 1 ngày có 7 trẻ bị xâm hại; trong hơn 4 năm có hàng nghìn trẻ em bị xâm hại tình dục, hàng trăm trẻ tử vong, nhiều vụ chưa được phát hiện kịp thời... ông Hoà cho rằng đây là con số đau lòng, cho thấy “khoảng tối” trong công tác bảo vệ trẻ em.

Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh) cho rằng cảnh báo tình trạng trẻ em không thể chống đỡ được khi kẻ hãm hại chính là những người thân yêu, gần gũi như ông bà, cha mẹ, thầy cô.

“Đau đớn thay, phẫn nộ thay, những tưởng trẻ em chúng ta được an toàn trong vòng tay yêu thương của người thân thì vẫn còn trường hợp bà đang tâm giết cháu, mẹ cha giết con, ông cha thay nhau hãm hiếp con cháu, thầy cô xâm hại học trò… đủ dạng, đủ kiểu, đủ lý do. Nhưng tột cùng của nó là đạo đức xuống cấp, luân thường đạo lý đảo lộn, các giá trị nhân bản bị xem thường”, bà Mai nói.

Nữ đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp trong cả 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội nhằm xử lý tận gốc vấn đề nhức nhối này.

Theo Khampha.vn