xuân

Giấc mơ bảo tồn nguồn gen bản địa của 'Ông Hoàng hoa lan' Nguyễn Văn Kính

Những ngày này cả nước sống trong khí thế hào hùng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong những ký ức của một người lính, ông Nguyễn Văn Kính vẫn canh cánh về một dự án lớn nhất trong đời là bảo tồn loài phong lan bản địa - lưu giữ vẻ đẹp của núi rừng, như một “món quà” dâng lên Mẹ Tổ quốc - một thứ tài sản quốc gia và để lưu giữ cho thế hệ mai sau.

“Ông Hoàng hoa lan” Nguyễn Văn Kính

Là người lính trở về với cuộc sống đời thường, “chất lính” trong ông dường như không thay đổi, vẫn rất giản dị, nhưng quyết đoán. Ông Nguyễn Văn Kính chia sẻ, bảo tồn giống lan rừng chuẩn bản địa Việt Nam là đam mê và cũng như cái nghiệp của cả đời mình.

“Tôi muốn góp được chút gì đó trong công cuộc gìn giữ gen quý của phong lan rừng Việt Nam. Tôi có cảm giác được sinh ra để làm điều đó, tất cả mọi việc cứ đến rất tự nhiên, như cái duyên và tôi đã làm được nhiều hơn những gì mình ao ước”.

Ông chia sẻ, bước vào nghề trồng hoa ban đầu như để trả nghĩa cho đất và người nông dân. Còn giờ đây, sau khoảng hai thập niên nếm đủ cay đắng ngọt bùi, ông đã bị loài hoa quý tộc này mê hoặc và trở thành “nô lệ” của chúng tự bao giờ chẳng hay.

Ngồi trò chuyện với “Ông Hoàng hoa lan” Nguyễn Văn Kính – như nhiều người vẫn gọi, ông như một “kho kiến thức” về các loài phong lan, từ cổ đến hiện đại. Trong đó, loài hoa ông tâm đắc nhất là các loài phong lan bản địa và cũng chính là loài hoa ông luôn canh cánh việc bảo tồn và gìn giữ.

ông Nguyễn Văn Kính - người sáng lập Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu.
Ông Nguyễn Văn Kính - người sáng lập Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu.

Việt Nam có hàng nghìn giống phong lan bản địa hay còn gọi là lan rừng. Có nguồn gốc ở những khu rừng nhiệt đới, lan rừng là loài cây lưu niên hoa bền, đẹp, có hương thơm, là loài hoa có giá trị kinh tế cao. Phong lan bản địa có số lượng loài rất đa dạng, một số loài phổ biến hiện nay như Tai Châu, Quế Lan Hương, Tam Bảo Sắc, lan Kiều, Phi Điệp, Đuôi Cáo…

Ông Kính cho biết, sở hữu những đặc tính hiếm có, hoa phong lan bản địa là một trong những dòng hoa cao cấp, không chỉ người Việt mà hầu hết các nước trên thế giới đều yêu thích. Người ta “mê” không chỉ vì vẻ đẹp quyến rũ của sắc hoa, dáng hoa độc đáo, mùi hương thuần khiết, mà còn là vì để một chậu phong lan rừng khoe sắc, toả hương, phải dày công chăm sóc, tỉ mỉ như chăm một nàng công chúa xinh đẹp nhưng tính tình đỏng đảnh.

Phong lan bản địa rất kỳ lạ và khó chiều chuộng. Lan ưa ẩm nhưng không thích ướt, luôn vươn tìm nguồn sáng nhưng lại e ngại ánh nắng trực tiếp, luôn cần nguồn dinh dưỡng hỗ trợ sinh trưởng nhưng dư thừa là lập tức sinh bệnh, hoa nở từ thân nhưng cây con cũng có thể mọc từ thân… Và còn biết bao điều thú vị từ loài hoa khó hiểu và đáng yêu này, được “ông Hoàng hoa lan” tâm đắc.

“Vườn địa đàng” giữa lòng Thủ đô

Một con người có vẻ bề ngoài xuề xoà, dân dã và cực kỳ thân thiện, nhưng ẩn sau đó là những ý tưởng ít người dám nghĩ, chứ chưa nói dám làm. Tầm nhìn, trí tuệ, sự nhạy bén, ý chí quyết liệt và những ý tưởng tiên phong toát lên qua từng câu chuyện của người đàn ông đặc biệt này, quả xứng với biệt danh “ông Hoàng” của một loài hoa vô cùng độc đáo và sang trọng.

Không chỉ nắm trong tay kiến thức sâu rộng về loài hoa Đế Vương, ông “Hoàng hoa lan” toàn tâm, toàn ý về bảo tồn, phát triển, nhân rộng và thậm chí là gây dựng lên một “vương quốc” riêng cho loài hoa ông yêu thích. Theo ông, “muốn nghiên cứu về hoa lan bản địa, thì phải trồng rừng làm hoa, phải đắp núi, tạo hang nhân tạo, môi sinh để hoa lan rừng phát triển”.

“Lan Tai Trâu bản địa của Việt Nam từng được nước ngoài cấy công nghiệp cực đẹp. Lan Mũi Hài của Việt Nam cũng vậy… Việt Nam có hàng nghìn giống lan bản địa, tôi cũng có thể dành một diện tích rất lớn để tập hợp, nuôi cấy và nhân bản”, ông Kính cho biết.

Bên trong một cơ sở nuôi trồng hoa lan của Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu.
Bên trong một cơ sở nuôi trồng hoa lan của Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu.

Nói là làm, vị doanh nhân nghìn tỷ hồ hởi giới thiệu về “đại dự án” tại Đan Phượng sẽ mở rộng lên tới khoảng 300 ha, vươn sang cả bờ bên dòng sông Đáy. Toàn bộ quần thể khổng lồ là một khu phức hợp, bao gồm nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái nằm ngay trên trục đường văn hoá - lịch sử kết nối trung tâm Tây Hồ Tây với Sơn Tây đang hình thành.

Cùng với khu nghiên cứu và phát triển lan vào loại lớn nhất châu Á, khu triển lãm - hội chợ, ông Kính dự định xây cầu nối hai bờ sông Đáy, đắp 5 ngọn núi lớn và trồng cả trăm ha rừng, tạo cảnh quan thiên nhiên như một khu “vườn địa đàng” ngay giữa lòng Thủ đô, để không lâu nữa người dân Hà Thành sẽ có cơ hội để ngơ ngẩn, lạc lối, tạm quên đi những lo toan đời thường.

“Bản quy hoạch” trong đầu ông Nguyễn Văn Kính - người sáng lập Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu, là ngoài trồng các loài cây quý theo từng chủ đề, khu rừng bên sông này sẽ tạo sinh cảnh tự nhiên nhất nhằm bảo quản nguồn gen cho tất cả các giống lan bản địa quý hiếm của Việt Nam. Toàn bộ quần thể sông suối và rừng cây nay mai sẽ trở thành lá phổi xanh và khu sinh thái tự nhiên giữa một thủ đô Hà Nội đang tất bật đô thị hoá và công nghiệp hoá.

Ông bật mí, dự án với ý tưởng tiên phong này được nhiều lãnh đạo Nhà nước và thành phố Hà Nội rất quan tâm, ủng hộ bởi không chỉ làm nông nghiệp công nghệ cao mà còn gắn với du lịch, văn hoá, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo đúng đường hướng tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.

Điều đặc biệt ở con người này còn là một cách làm “chẳng giống ai” – tự đầu tư bằng tiền túi, tự gây dựng bằng kế hoạch đã được phác thảo trong đầu và thuyết phục người khác bằng chính những kết quả thực tế. Vì theo ông, “mình làm rồi mới thuyết phục được người khác, chứ uốn lưỡi nói suông thì dễ lắm”.

Vị doanh nhân quả quyết, nếu như dự án được các cấp có thẩm quyền và Thành phố Hà Nội nhanh chóng phê duyệt, tạo điều kiện và thúc đẩy theo đúng kế hoạch đã định, chắc chắn chỉ trong thời gian ngắn, công trình đồ sộ tổng vốn đầu tư 25 – 30 nghìn tỉ đồng này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

“Ông Hoàng hoa lan” toàn tâm, toàn ý về bảo tồn, phát triển, nhân rộng và thậm chí là gây dựng lên một “vương quốc” riêng cho loài hoa ông yêu thích.
“Ông Hoàng hoa lan” toàn tâm, toàn ý về bảo tồn, phát triển, nhân rộng và thậm chí là gây dựng lên một “vương quốc” riêng cho loài hoa ông yêu thích.

Tuy nhiên, vượt lên tất cả thành quả đạt được, điều mà doanh nhân Nguyễn Văn Kính tâm đắc nhất là Công ty Toàn Cầu của ông đã vươn lên trong top những công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực trồng hoa lan. Nhưng không chỉ bằng lòng với thứ hạng đó, ước mơ của ông Kính là 5 - 10 năm nữa Việt Nam có thể cạnh tranh với thế giới bằng chính loài lan bản địa và hiện thực hoá tham vọng đưa Việt Nam lên bản đồ hoa lan thế giới.

“Việt Nam hiện chưa có mặt trên “bản đồ hoa lan” toàn cầu, song không lâu nữa, Việt Nam sẽ là điểm đến cho rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh hoa của châu Á và thế giới. Đưa hoa lan Việt Nam tới châu Mỹ, châu Âu… và xa hơn nữa… là giấc mơ lớn của chúng tôi”, doanh nhân Nguyễn Văn Kính nói đầy tin tưởng.

Thành lập tháng 6/2015, sau gần 10 năm hoạt động, Công ty Toàn Cầu (Toàn Cầu JSC) đã đạt được một số thành tựu nhất định, quy mô sản xuất đã tăng từ 5.000 m2 diện tích nhà kính ban đầu lên thành 50.000 m2 như hiện nay và dự kiến sẽ được mở rộng thành 100.000 – 120.000 m2 vào năm 2025, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Trong vòng 5 năm tới, Toàn Cầu JSC sẽ trở thành nhà cung cấp nguồn cây giống hoa Lan Hồ Điệp chất lượng cao cho toàn thị trường Việt Nam và các thị trường quốc tế như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Toàn Cầu JSC sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa và giống hoa Lan Hồ Điệp, nhằm đưa cây Lan Hồ Điệp thành một trong những mặt hàng nông nghiệp bền vững có giá trị kinh tế cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Hiện tại, Toàn Cầu JSC đang trong quá trình hoàn thiện và đưa vào vận hành nhà nuôi cấy mô có quy mô lớn nhất Việt Nam với diện tích trên 5.000m2 và sản lượng dự kiến đạt được xấp xỉ 10 triệu cây giống/năm.

Sở hữu hệ thống máy móc hiện đại bậc nhất được nhập khẩu nguyên máy từ Đài Loan (Trung Quốc). Nguyên vật liệu phục vụ nuôi trồng và cấy mô được nhập khẩu 100% từ Hoa Kỳ, Chile, Đài Loan (Trung Quốc) theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của cây giống đạt chất lượng cao nhất.

');$('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst'));})