xuân

Hà Nội giảm 61 xã phường, không sáp nhập quận Hoàn Kiếm

(Chinhphu.vn) - Khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Hà Nội sẽ giảm 61 xã, phường (trong đó có 46 xã, 15 phường), không sáp nhập quận Hoàn Kiếm do là đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù.

Sáng 15/5, kỳ họp thứ 16 - kỳ họp chuyên đề của HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025

Theo Tờ trình của UBND TP. Hà Nội về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025, theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Hà Nội có 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 173 đơn vị hành chính cấp xã không đảm bảo tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Hà Nội sẽ giảm 61 xã, phường (trong đó có 46 xã, 15 phường).

Sau sắp xếp các phường, 6 quận (Cầu Giấy, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Thanh Xuân) và thị xã Sơn Tây có đơn vị hành chính mới. Riêng quận Cầu Giấy chỉ điều chỉnh địa giới hành chính và dân số một số phường để phù hợp quy định nhưng vẫn giữ nguyên số lượng và tên gọi các phường.

Quận Cầu Giấy điều chỉnh một phần phường Yên Hòa, Dịch Vọng vào phường Quan Hoa; một phần phường Nghĩa Đô, Dịch Vọng và Dịch Vọng Hậu vào phường Nghĩa Tân. Tại 12 huyện (Gia Lâm, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ, Mê Linh) có 36 xã mới được sắp xếp từ 76 xã.

Hà Nội không sáp nhập quận Hoàn Kiếm do là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù. Nguyên nhân do quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hoá của TP Hà Nội. Quận có địa giới hành chính ổn định, hình thành trước năm 1945, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, gắn với truyền thống lịch sử hình thành của thành Đại La, Thăng Long, Đông Đô, của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Bên cạnh đó, Quy hoạch xung quanh hồ Hoàn Kiếm là một chỉnh thể có yếu tố đặc thù, kế thừa lịch sử, văn hóa, kiến trúc được chia ra làm 3 khu vực chính: khu phố cổ, 4 khu vực hồ Gươm và phụ cận, khu phố cũ đã giữ hình thái ổn định từ năm 1990 đến nay.

Từ năm 1995, Trung ương và TP đã phê duyệt 4 Đề án quy hoạch dành riêng cho khu vực này (1 quy hoạch của Bộ Xây dựng; 1 quy hoạch của Thành phố; 1 quy chế quản lý và 1 quy hoạch phân khu) để khẳng định tầm quan trọng vị trí đặc biệt cần bảo tồn, gìn giữ đối với khu phố cổ Hà Nội thuộc quận Hoàn Kiếm.

Nếu thực hiện sắp xếp quận sẽ mất đi các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống và quá trình hình thành đô thị văn hóa lâu đời của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội trong thời gian tới.

Tiếp tục tuyên truyền, bảo đảm sự đồng thuận trong quá trình sắp xếp

Trước khi thông qua Nghị quyết, thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu HĐND TP. Hà Nội đề nghị các địa phương quan tâm đến công tác tuyên truyền đến cán bộ, người dân địa phương sắp xếp, bảo đảm sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, các Sở, ngành cần có hướng dẫn, quy định cụ thể để có cơ chế thông thoáng, thuận lợi nhất để thực hiện chủ trương này, nhất là chính sách cho đội ngũ cán bộ dôi dư.

Theo báo cáo Thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP. Hà Nội đã đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Trung ương, quy định của pháp luật, sự chỉ đạo của Thành ủy và phù hợp với thực tiễn địa phương. Ban Pháp chế đề nghị UBND Thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong hệ thống chính trị, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và Nhân dân tại các địa phương thực hiện sắp xếp.

Các Sở, ngành, các quận, huyện, thị xã cần tạo điều kiện để cho Nhân dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, chuyển đổi các giấy tờ cho cá nhân, tổ chức.

Chi tiết tên gọi mới của các xã, phường sau khi thực hiện sắp xếp:

Gia Huy