xuân

Phát triển điện mặt trời áp mái & năng lượng tái tạo tại các KCN TP HCM năm 2019

Nhịp Sống Sài Gòn

Ngày 20/12/2019 tại Hội trường Trung tâm Sinh hoạt Công nhân Khu Công nghiệp (KCN) Hiệp Phước, Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. HCM (HBA) đã phối hợp cùng với các đơn vị Ban quản lý KCN Hiệp Phước, Công ty Điện lực Duyên Hải, CTCP Năng lượng mặt trời SPC (SPC), tổ chức thành công Hội thảo "phát triển điện mặt trời áp mái & năng lượng tái tạo tại các Khu công nghiệp Tp.HCM giai đoạn 2019 – 2024”

Trước một nền kinh tế đang phát triển, tình hình sử dụng điện lưới quốc gia ở mức báo động, Chính phủ quan tâm, Bộ Công Thương cũng đã khởi động “Chương trình Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” nhằm khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư vào điện mặt trời áp mái, với mục tiêu 100.000 hệ thống sẽ được lắp đặt và vận hành vào cuối năm 2025

 

Theo các nhà hoạch định chính sách, Việt Nam nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng được đánh giá là quốc gia có tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo khá dồi dào và đa dạng các dạng năng lượng tái tạo. Điển hình như gió, mặt trời, sinh khối… với tiềm năng khai thác cho sản xuất điện lên tới hàng chục GW. Điều này sẽ vô cùng thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy phát triển đa dạng các nguồn năng lượng mới đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng gia tăng như hiện nay.

da dang nguon nang luong tai tao trong cac khu cong nghiep cua tp ho chi minh
Đông đảo doanh nghiệp quan tâm tham dự hội thảo

Tại hội thảo các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng chia sẻ, mang đến bức tranh toàn cảnh vấn đề sử dụng năng lượng cũng như sự cần thiết phải phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại các Khu công nghiệp. Đồng thời, sự kiện cũng thông qua những nội dung sâu sắc về giải pháp kỹ thuật, giải pháp tài chính, những lợi ích kinh tế, lợi ích phi kinh tế cho doanh nghiệp khi lựa chọn điện mặt trời, năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Đây được xem là sứ mệnh của mỗi thành viên trong Khu chế xuất/khu công nghiệp/Khu công nghệ cao nhằm góp phần giảm thải CO2, bảo vệ môi trường xanh sạch, giúp giảm tải điện lưới quốc gia.

 

Theo đánh giá, hiện nay các khu công nghiệp có lợi thế về diện tích áp mái lớn, nên nếu đầu tư điện mặt trời, doanh nghiệp sẽ được hưởng lãi kép. Ngoài việc được sử dụng điện miễn phí, khi dôi dư, doanh nghiệp có thể bán cho ngành điện. Về vốn đầu tư, doanh nghiệp có thể thông qua các công ty hỗ trợ vốn, ngân hàng mà ngành điện hỗ trợ kết nối.

 

Đại diện của Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HBA) cho biết, sự kiện này cũng là bước khởi động cho kế hoạch hành động của Chương trình Phát triển Điện mặt trời áp mái - Năng lượng Tái tạo do HBA và Công ty Cổ phần Năng lượng mặt trời SPC (SPC) thành lập ra. Qua đó hỗ trợ toàn diện, hiệu quả cho đông đảo doanh nghiệp thuộc các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu và tận dụng nguồn năng lượng sạch.

 

Được biết, chương trình mong muốn góp phần quan trọng đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong việc ứng dụng rộng rãi và đa dạng nguồn năng lượng mặt trời vào hoạt động sản xuất công nghiệp. Theo đó chương trình đặt mục tiêu phát triển được 1.000MWp tổng công suất hệ thống Điện mặt trời áp mái trong giai đoạn từ 2019 - 2024. Qua đó kỳ vọng giúp các khu chế xuất, khu công nghiệp giảm được khoảng 10 - 15% sản lượng điện tiêu thụ định kỳ; góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia và đảm bảo an ninh năng lượng của thành phố

.

Để thực hiện, Ban Chủ nhiệm Chương trình cùng SPC tăng cường hợp tác cùng các đối tác uy tín, thỏa thuận cùng các tổ chức tài chính, trau dồi chuyên môn cho đội ngủ kỹ thuật, nhằm tối ưu hóa giá trị gia tăng cho khách hàng.

NGỌC ANH