xuân

Thành phố Hồ Chí Minh: Xử lý ách tắc cho dự án bất động sản

Nhịp Sống Sài Gòn

Là địa phương có dân số đông nhất cả nước, nhu cầu về nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh rất lớn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây rất ít dự án được khởi công xây dựng do gặp nhiều vướng mắc, khiến nguồn cung nhà ở tại thành phố khan hiếm. Giải quyết khó khăn này, thành phố Hồ Chí Minh sẽ đơn giản hóa thủ tục, xử lý ách tắc từng dự án để đưa thị trường bất động sản phát triển ổn định.

Nhiều dự án nhà ở bị ách tắc

Dự án khu liên hợp nhà ở - văn phòng - thương mại Tản Đà - Hàm Tử (phường 10, quận 5) do Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) làm chủ đầu tư nhiều năm nay không thể khởi công do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, dự án chung cư cao tầng An Bình (số 787, đường Lũy Bán Bích, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) được Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (SAIGONRES) hoàn thành xây dựng và đã đưa vào sử dụng từ tháng 10-2012. Vậy nhưng, đến nay, dự án này vẫn chưa được tính tiền sử dụng đất nên chủ đầu tư không thể làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà.

Đây cũng là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan này đã chuyển 61 dự án nhà ở đang bị ách tắc, cần tháo gỡ sang Sở Kế hoạch và Đầu tư để góp ý thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Còn Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, ngoài 61 dự án trên, còn có 32 dự án khác thuộc 21 doanh nghiệp bất động sản cũng bị vướng mắc chưa được các cấp có thẩm quyền giải quyết. Các vướng mắc tập trung ở công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chậm tính tiền sử dụng đất, thủ tục hành chính trong đầu tư còn phức tạp…

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành phản ánh, doanh nghiệp phải chờ từ 3 đến 5 năm mới hoàn thành thủ tục đầu tư một dự án nhà ở. Trong đó, thời gian trao đổi, lấy ý kiến giữa các sở, ngành với quận, huyện là lâu nhất. “Thành phố cần quy định rõ hơn thời gian hoàn thành các bước của thủ tục đầu tư và có quy định chế tài đối với các cơ quan, đơn vị không thực hiện đúng quy trình”, ông Lê Hữu Nghĩa đề xuất.

Nghiên cứu kỹ để phối hợp giải quyết

Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại gồm 4 bước với tổng thời gian 215 ngày làm việc, tương đương 11 tháng, thay vì trước đây phải qua 5 bước với thời gian từ 3 đến 5 năm, thậm chí lâu hơn. Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đề xuất, thành phố có thể tích hợp theo phương thức thực hiện song song một số thủ tục để rút ngắn hơn nữa thời gian đầu tư xây dựng dự án nhà ở.

Về 61 dự án nhà ở đang vướng mắc mà Sở Xây dựng thành phố chuyển sang Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến, Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hồ sơ, báo cáo phương án tháo gỡ cho tổ công tác đầu tư của thành phố, chậm nhất đến ngày 15-4-2021 phải thực hiện xong. Đối với các dự án khác, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình sẽ chủ trì làm việc với các sở, ban, ngành có liên quan và doanh nghiệp đang gặp vướng mắc để giải quyết từng vấn đề cụ thể.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020, kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố tăng trưởng 2,9%/năm. Lĩnh vực bất động sản chiếm 4,2% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố. Các doanh nghiệp bất động sản đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách, khoảng 8,2% tổng thu nội địa. Vì vậy, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chính là giải pháp phát triển ổn định thị trường bất động sản, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng.

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, trong số các khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, có vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết từ trung ương, có vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố. Đối với vướng mắc từ trung ương, thành phố sẽ kiến nghị trung ương giải quyết. Đối với vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ban, ngành nghiên cứu kỹ hồ sơ từng trường hợp, phối hợp với doanh nghiệp để tháo gỡ, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

“Hiện thành phố đang nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng thành phố, đồng thời tiến hành song song quy hoạch xây dựng thành phố Thủ Đức. Thành phố xem quy hoạch là công cụ quản lý, có vai trò quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thông tin.