xuân

Việt Nam sở hữu một phần bộ ảnh quý giá cuối thế kỷ XIX

Nhịp Sống Sài Gòn

Lần đầu tiên, 44 ảnh gốc trong bộ ảnh hơn 200 bức chụp đất nước, con người Việt Nam ở thời điểm cuối thế kỷ XIX của bác sĩ quân y người Pháp Charles-Édouard Hocquard đã thuộc quyền sở hữu của Việt Nam. Các tấm ảnh này được công bố cùng bản dịch tiếng Việt cuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” vừa được Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam ra mắt bạn đọc.

Việc sở hữu bộ ảnh quý giá với những góc nhìn chân thực, có thể nói là độc nhất về Việt Nam ở một không gian khá rộng trải dài trên nhiều nơi ở miền Bắc và miền Trung đã cung cấp cho người xem một trải nghiệm hết sức độc đáo cùng với những dòng ghi chép đậm chất văn học của bác sĩ quân y người Pháp Charles-Édouard Hocquard.

Đại diện Công ty Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cho biết, việc đưa được một phần bộ ảnh quý này về Việt Nam là kết quả của một quá trình thương thảo kéo dài, thậm chí có lúc tưởng chừng như đổ vỡ do nhiều nguyên nhân, trong đó có dịch bệnh Covid-19. Sau ngót 130 năm nằm tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (ANOM), Aix-en-Provence, (Pháp), các tấm ảnh trong bộ ảnh này vẫn giữ được chất lượng ảnh rất tốt so với khi chụp, giúp hậu thế thưởng thức trọn vẹn cái nhìn của tác giả.

5949-img20201028181037-copy
Công ty Nhã Nam giới thiệu sách "Một chiến dịch ở Bắc Kỳ" với bạn đọc

Các tấm ảnh trong bộ ảnh nói trên xuất hiện trong “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” ra mắt độc giả Việt Nam Nam tất cả đều ở dạng tranh khắc do kỹ thuật in ấn thời những năm 1884 -1886 khi được chụp không cho phép in trực tiếp ảnh lên thàn sách mà phải qua khâu trung gian là bản khắc. Khi xử lý ảnh, nhiều bức ảnh đã bị thợ khắc cắt bỏ hoặc điều chỉnh khiến bản in sách không thể hiện hết tác phẩm ảnh.

Cuốn sách "Một chiến dịch ở Bắc Kỳ" là bản tường trình của bác sĩ Charles-Édouard Hocquard (1853 -1911) về một chiến dịch quân sự được Pháp tiến hành từ 1883 đến 1886 nhằm mục đích thiết lập chế độ bảo hộ ở Bắc Kỳ. Ban đầu, câu chuyện ông viết được in trên tạp chí Le Tour du Monde (Vòng quanh thế giới) thành năm phần dài dưới nhan đề 30 tháng ở Bắc Kỳ. Tác phẩm được xuất bản dưới dạng sách vào năm 1892 và thuật lại chuyến đi của bác sĩ Hocquard từ lúc ông rời cảng Toulon ngày 11/1/1884 đến khi ông hồi hương vào ngày 19/4/1886.

Trong 26 tháng ở Việt Nam, Hocquard có 10 tháng ở Hà Nội, từ đó viết nên một nguồn tư liệu quan trọng về thành phố này vốn không mấy thay đổi ngay cả khi có sự hiện diện của người Pháp. Hocquard cũng dành nhiều thời gian cho việc tường thuật lại các quan sát thực địa của mình, vì vậy, ta có thể đọc được qua tác phẩm này một câu chuyện lịch sử và dân tộc học, miêu tả địa lý tự nhiên và địa lý nhân văn miền Bắc và miền Trung Việt Nam cuối thế kỷ XIX.

0204-2106-unnamed-1
Một số ảnh gốc của tác giả được in cùng cuốn sách

Và suốt hơn hai năm ở đây với nhiệm vụ chụp ảnh địa hình, hỗ trợ công tác trắc địa và bác sĩ quân y cho binh lĩnh Pháp, ông đã tận dụng triệt để chiếc máy ảnh mang theo để chụp lại hầu như toàn cảnh xã hội Việt Nam khi ấy: phong cảnh thiên nhiên, làng mạc, phố phường đến những chân dung cụ thể của nhà vua, quan lại, nho sĩ, nhà buôn, binh lính, nông dân… Thậm chí như tác giả tiết lộ trong cuốn sách, có cả những bức ảnh được ông chụp từ quả khinh khí cầu được neo dưới đất để chụp ảnh.

Hàng trăm bức ảnh hiếm hoi về con người và phong cảnh của xứ Bắc kỳ đã mang về cho Hocquard huy chương vàng danh giá tại Triển lãm Toàn cầu ở Anvers năm 1885. Nhiều không gian, khung cảnh được thu vào ống kính của bác sĩ Hocquard như điện Kính Thiên, quần thể chùa Báo Ân, cung Bảo Định… nay chỉ còn trên ảnh.

Hocquard là con người hiếu kỳ, vì hiếu kỳ nên ông tự tìm tòi để nâng cao vốn hiểu biết. Vì khao khát hiểu biết và thích quan sát, cộng thêm tài năng của một chuyên gia nhiếp ảnh, bằng cuốn sách "Một chiến dịch ở Bắc Kỳ", Hocquard đã mang đến cho hậu thế ở Việt Nam một tác phẩm tuyệt vời và độc đáo.

Quang Lộc/Theo Báo Công Thương điện tử