xuân

Cứ 10 hợp đồng bảo hiểm mở mới, có 5 người là khách hàng của ba “ông lớn” Bảo Việt nhân thọ, Dai-ichi, Prudential – “miếng bánh” thị trường đang được phân chia ra sao?

Về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới trong 4 tháng đầu năm 2024, Bảo Việt nhân thọ đứng ở vị trí số 1 khi chiếm 17,9%, đứng sau lần lượt là Dai-ichi, Prudential.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có thông tin tổng quan về thị trường bảo hiểm 4 tháng đầu năm 2024. Theo đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 4 tháng ước đạt 71.047 tỷ đồng, giảm 4,16% so với cùng kỳ năm 2023.

Đối với bảo hiểm nhân thọ, tổng doanh thu bảo hiểm khai thác mới trong 4 tháng đầu năm 2024 giảm hơn 31,6% so với cùng kỳ, đạt 7.290 tỷ đồng. 

Cứ 10 hợp đồng bảo hiểm mở mới, có 5 người là khách hàng của ba “ông lớn” Bảo Việt nhân thọ, Dai-ichi, Prudential – “miếng bánh” thị trường đang được phân chia ra sao?- Ảnh 1.

Trong đó, Bảo Việt nhân thọ dẫn đầu về thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới giai đoạn đầu năm với gần 18%. Tiếp theo là Dai-ichi (15%), Prudential (gần 15%), Manulife (10%), AIA (6%), FWD (6%), Generali (5,4%), Chubb (5,4%)...

Như vậy, ba "ông lớn" gồm Bảo Việt nhân thọ, Dai-ichi, Prudential chiếm gần 50% thị phần mở mới bảo hiểm trong 4 tháng đầu năm nay.

Cụ thể, với riêng các sản phẩm như bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm tử kỳ lại ghi nhận diễn biến trái chiều. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu khai thác mới của nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư giảm 42,1%, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp tăng 255,5%, nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ tăng 65,8%.

Cứ 10 hợp đồng bảo hiểm mở mới, có 5 người là khách hàng của ba “ông lớn” Bảo Việt nhân thọ, Dai-ichi, Prudential – “miếng bánh” thị trường đang được phân chia ra sao?- Ảnh 2.

Hiện, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 69% doanh thu phí khai thác mới. Bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 8%, bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 6,4%, các nghiệp vụ còn lại (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe) chiếm tỷ trọng 0,6%. Doanh thu phí sản phẩm bảo hiểm bán kèm chiếm tỷ trọng 16%.

Về số lượng hợp đồng khai thác mới 4 tháng đầu năm 2024, theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đạt 510.977 hợp đồng, dẫn đầu là nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (52,5%) với 268.453 hợp đồng bảo hiểm cá nhân và thành viên trong nhóm.

Tính chung toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ 4 tháng đầu năm 2024, số lượng hợp đồng có hiệu lực (không bao gồm hợp đồng sản phẩm bảo hiểm bán kèm) đạt 12.152.060 hợp đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2023.