xuân

Kinh tế thế giới nổi bật (13-19/9): Phương Tây trừng phạt Nga, ngân hàng châu Âu ‘dính đạn’; nền kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu phục hồi không đồng đều

Các biện pháp phương Tây trừng phạt Nga gây rủi ro lớn cho ngân hàng Thụy Sỹ, Mỹ giảm lãi suất lần đầu kể từ 2020, Goldman Sachs và Citigroup hạ dự báo tăng trưởng Trung Quốc… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới nổi bật (13-19/9):
Kết quả khảo sát với các ngân hàng Thụy Sỹ ngày 12/9 cho rằng, những biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt lên các quốc gia khác, chẳng hạn như nhằm vào Nga, là rủi ro địa chính trị lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh của họ. (Nguồn: ukrainianworldcongress)

Kinh tế thế giới

Thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ đạt 5.000 tỷ USD năm 2050

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của công ty điện tử và bán dẫn Tokyo Electron, Toshiki Kawai, vừa cho hay, công ty này muốn tham gia vào chuỗi cung ứng chip đang phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ. Ông Toshiki Kawai dự đoán thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ đạt 5.000 tỷ USD vào năm 2050.

Theo ông Toshiki Kawai, trước đây, thị trường bán dẫn có một chu kỳ tăng trưởng được thúc đẩy bởi sự ra mắt của các sản phẩm mới như máy tính cá nhân và sau đó là điện thoại thông minh, Internet vạn vật, điện toán đám mây. Thị trường chất bán dẫn thế giới hiện đang ở làn sóng thứ hai, với động lực tăng trưởng đến từ các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và lái xe tự động. Các làn sóng tiếp theo sẽ là công nghệ lượng tử và viễn thông 6G và 7G.

Ông Toshiki Kawai nhận định, những dự báo trên cho thấy tại sao việc thâm nhập vào thị trường nhiều tiềm năng của Ấn Độ ở giai đoạn đầu và đóng góp cho sự phát triển của ngành bán dẫn nước này là điều cần thiết. Tại Triển lãm công nghiệp bán dẫn và điện tử Semicon India 2024 diễn ra ngày 11-13/9 ở New Delhi (Ấn Độ), Tokyo Electron công bố quan hệ đối tác với công ty sản xuất thiết bị điện tử Tata Electronics (Ấn Độ) với mong muốn hợp tác phát triển lâu dài ở thị trường đông dân nhất thế giới này.

Mỹ

* Ngày 18/9 (giờ địa phương, tức rạng sáng 19/9 giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, trong bối cảnh lạm phát đang hạ nhiệt một cách ổn định và lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe của thị trường lao động.

Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2020. Trong tuyên bố sau cuộc họp chính sách ngày 18/9, Fed cho biết đã quyết định cắt giảm lãi suất xuống phạm vi 4,75-5,00% trên cơ sở những diễn biến lạm phát gần đây. Các nhà hoạch định chính sách của Fed đánh giá cơ quan này đã có thêm niềm tin rằng lạm phát đang trên lộ trình ổn định hướng tới mức mục tiêu 2%.

* Quyết định ngày 13/9 của chính phủ Mỹ về việc tăng thuế đối với xe điện và một số loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đánh dấu sự kết thúc của quá trình xem xét kéo dài hơn 2 năm đối với thuế quan do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt.

Cụ thể, thuế đánh vào xe điện của Trung Quốc sẽ tăng gấp 4 lần lên 100%, thuế đối với pin lithium-ion tăng từ 7,5% lên 25%. Thuế đối với các sản phẩm nhôm thép cũng tăng 25%, từ mức 0% hiện nay lên 7,5% vào ngày 27/9.

Trong phát biểu ngày 13/9, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nêu rõ chính sách thuế quan nói trên phản ánh cam kết của Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris trong việc đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp Mỹ.

Trung Quốc

* Các ngân hàng Goldman Sachs và Citigroup đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 của Trung Quốc xuống 4,7% sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này công bố số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 8/2024 đã chậm lại xuống mức thấp của 5 tháng. Trước đó, Goldman Sachs dự kiến tăng trưởng cả năm của nền kinh tế ở mức 4,9%, trong khi Citigroup dự báo mức tăng trưởng 4,8%.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 8/2024 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 5,1% trong tháng 7/2024 và đánh dấu mức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 3/2024.

* Dữ liệu chính thức được công bố ngày 14/9 cho hay, giá nhà mới ở Trung Quốc giảm nhanh nhất trong hơn 9 năm vào tháng 8/2024, khi các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ không thể thúc đẩy sự phục hồi đáng kể trong lĩnh vực bất động sản.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), giá nhà mới tại Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua đã giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ giảm nhanh nhất kể từ tháng 5/2015, so với mức giảm 4,9% trong tháng 7. Tính theo tháng, giá nhà mới của Trung Quốc trong tháng 8/2024 ghi dấu tháng sụt giảm thứ 14 liên tiếp, giảm 0,7% so với tháng trước đó và bằng với mức giảm của tháng 7.

Châu Âu

* Theo ước tính của hãng tin Bloomberg, giá trị xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm gần 30% kể từ cuối tháng 6, do giá dầu thô trên thị trường quốc tế đi xuống.

Tin liên quan
Đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia 2: ‘Cơn gió ngược’ từ Mông Cổ, toan tính xoay trục của Nga và niềm tin ở một Trung Quốc đang ‘khát’ năng lượng Đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia 2: ‘Cơn gió ngược’ từ Mông Cổ, toan tính xoay trục của Nga và niềm tin ở một Trung Quốc đang ‘khát’ năng lượng

Khối lượng xuất khẩu tăng không thể bù đắp được tác động từ sự sụt giảm giá dầu trong những tuần gần đây. Dầu thô Urals của Nga hiện đang được giao dịch dưới mức 60 USD/thùng, mức trần mà Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp dụng nếu Nga sử dụng dịch vụ của các công ty vận tải, bảo hiểm và tài chính của phương Tây để vận chuyển dầu thô.

Giá dầu Brent Biển Bắc hiện đang ở mức dưới 75 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất gần ba năm qua, dưới 70 USD/thùng, trong tuần trước. Đà giảm chung của “vàng đen” đã kéo giá dầu thô của Nga giảm theo.

* Kết quả khảo sát với các ngân hàng Thụy Sỹ ngày 12/9 cho rằng, những biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt lên các quốc gia khác, chẳng hạn như nhằm vào Nga, là rủi ro địa chính trị lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh của họ.

Báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ (SBA) cùng các công ty tư vấn cho biết những nhà hoạch định chính sách nên phát triển cách tiếp cận các biện pháp trừng phạt để đảm bảo tính trung lập của nước này, khẳng định nơi đây vẫn là nơi trú ẩn an toàn cho ngân hàng và khách hàng của họ.

Mới đây, Bộ Kinh tế Thụy Sỹ cho biết, tính đến giữa tháng 8/2024, giá trị tài sản tài chính, bất động sản, xe sang và tác phẩm nghệ thuật bị đóng băng của Nga là 7,1 tỷ Franc (8,33 tỷ USD). Theo các chủ ngân hàng, lập trường rõ ràng của Thụy Sỹ về cuộc xung đột ở Ukraine đã làm dấy lên lo ngại trong các khách hàng nước ngoài rằng nước này có thể ủng hộ các biện pháp trừng phạt tiếp theo của phương Tây trong tương lai.

* EU sẽ đưa vào áp dụng 12 hạn ngạch miễn thuế nhập khẩu đối với thủy, hải sản của Na Uy trong thời gian từ tháng 5/2021 đến tháng 4/2028, theo thỏa thuận giữa hai bên.

Chính phủ Na Uy cho biết kế hoạch trên là một phần trong thỏa thuận về tài trợ giữa Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) và Na Uy. Theo đó, lượng hạn ngạch trong giai đoạn đã qua kể từ tháng 5/2021 sẽ được phân phối trong khoảng thời gian còn lại của thỏa thuận giữa 2 bên, kéo dài đến tháng 5/2028. Nếu đến thời hạn này, các hạn ngạch trên chưa được sử dụng hết, chúng có thể được chuyển sử dụng cho đến tháng 5/2030, hoặc đến khi một giai đoạn hạn ngạch miễn thuế mới có hiệu lực.

* Chính phủ Đức và các đối tác đã cam kết đầu tư khoảng 12 tỷ Ruro (13,3 tỷ USD) cho đầu tư mạo hiểm vào năm 2030 để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp cho những sáng kiến của họ, theo một tuyên bố chung được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về khởi nghiệp vừa tổ chức tại Đức.

Tuyên bố này được ký bởi chính phủ, ngân hàng phát triển nhà nước KfW và các công ty khác, là một phần của sáng kiến nhằm thúc đẩy các công ty khởi nghiệp và tăng vốn đầu tư mạo hiểm cũng như đổi mới tư nhân tại Đức.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: "Sáng kiến này nhằm huy động các khoản đầu tư tư nhân vào đầu tư mạo hiểm, các công ty khởi nghiệp và công nghệ tiên tiến", đồng thời nhấn mạnh rằng sáng kiến sẽ giúp củng cố vị thế của Đức như một địa điểm kinh doanh.

* Ngân hàng Trung ương Pháp dự báo nền kinh tế này sẽ tăng trưởng trong hai năm tới, khi lạm phát thấp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, giúp bù đắp cho lực cản từ chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ

Theo dự báo hằng quý được công bố ngày 17/9, nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự kiến sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm 2024, cao hơn so với ước tính tăng 0,8% hồi tháng 6.

Sau đó, tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 1,2% vào năm 2025 và 1,5% vào năm 2026 khi tiền lương tăng nhanh hơn lạm phát, thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng. Dù vậy, ước tính cho năm 2026 đã được cắt giảm nhẹ so với mức 1,6% trước đó.

Nhật Bản và Hàn Quốc

* Tăng trưởng xuất khẩu của Nhật Bản chậm lại trong tháng 8/2024 dù kéo dài chuỗi tăng sang tháng thứ 9 liên tiếp, cho thấy tình trạng phục hồi không đồng đều của nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.

Báo cáo công bố ngày 18/9 của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy xuất khẩu của nước này trong tháng 8 đã tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức 10,2% trong tháng trước. Kết quả này thấp hơn ước tính 10,6% của các nhà kinh tế, chủ yếu do xuất khẩu ô tô giảm 9,9%. Số máy móc phục vụ xây dựng và khai khoáng cũng giảm trong cùng tháng.

* Giá đất trung bình trên toàn Nhật Bản trong 12 tháng tính đến ngày 1/7/2024 đã tăng 1,4% so với cùng kỳ trước đó, tăng năm thứ ba liên tiếp và là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1992, nhờ sự gia tăng hoạt động du lịch quốc tế và đầu tư nước ngoài do đồng yen suy yếu.

Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, trong giai đoạn nói trên, giá đất thương mại tại Nhật Bản đã tăng 2,4% và giá đất ở tăng 0,9% so với một năm trước đó. Giá đất thương mại và giá đất ở đều tăng năm thứ ba liên tiếp và đạt mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1992, khi giá đất sụt giảm do bong bóng tài sản của Nhật Bản bị vỡ.

* Doanh số bán xe do công ty đăng ký sở hữu tại Hàn Quốc tiếp tục giảm mạnh trong năm 2024, nhất là các mẫu xe nhập khẩu cao cấp, phần lớn là do chính sách mới của chính phủ nhằm hạn chế tình trạng gian lận thuế. Việc áp dụng biển số xe màu xanh lá cây cho những chiếc xe đắt tiền do công ty sở hữu, có hiệu lực từ tháng 1/2024, được coi là yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh.

Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu dữ liệu Carisyou, từ tháng 1-7/2024 số lượng đăng ký xe công ty có giá trên 80 triệu Won (khoảng 59.600 USD) đã giảm 27,7% so với cùng kỳ năm 2023, đưa tổng số xe đăng ký xuống còn 27.400 xe. Sự sụt giảm này có liên quan chặt chẽ đến chính sách mới của chính phủ, cụ thể nhắm vào các xe do công ty sở hữu có giá trên 80 triệu Won.

ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính Indonesia ghi nhận doanh thu thuế từ lĩnh vực kinh tế số của nước này đạt 27.850 tỷ Rp (1,75 tỷ USD) tính từ năm 2022 đến cuối tháng 8/2024.

Doanh thu này đến từ việc thu thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với thương mại điện tử, thuế từ lĩnh vực tiền điện tử, cho vay ngang hàng hoặc thuế cho vay trực tuyến và thuế mua sắm thông qua Hệ thống thông tin mua sắm của chính phủ (thuế SIPP).

Giám đốc phụ trách Tư vấn, Dịch vụ và Quan hệ công chúng, Dwi Astuti, cho biết kể từ năm 2020, doanh thu VAT từ thương mại điện tử đã đạt 22.300 tỷ Rp từ 166 đơn vị thu thuế, trong đó doanh thu năm 2024 lên tới 5.390 tỷ Rp.

Trong khi đó, doanh thu thuế từ lĩnh vực tiền kỹ thuật số từ năm 2022 đạt 875,44 tỷ Rp, bao gồm 411,12 tỷ Rp tiền thuế thu nhập từ giao dịch tiền điện tử và 463,32 tỷ Rp từ VAT tiền kỹ thuật số.

* Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này có khả năng đạt chưa đến 8 triệu tấn vào năm tới do một loạt yếu tố rủi ro cản trở khả năng cạnh tranh của họ, chẳng hạn như đồng Baht mạnh và khả năng Ấn Độ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu vào cuối năm.

Hiệp hội dự kiến Thái Lan sẽ vượt mục tiêu xuất khẩu hằng năm là 8,2 triệu tấn trong năm nay và nếu lượng xuất khẩu trung bình 600.000 tấn mỗi tháng trong thời gian còn lại của năm, thì con số của cả năm có thể đạt 9 triệu tấn.

Tuy vậy, Hiệp hội cảnh báo về một năm khó khăn vào năm 2025 vì Ấn Độ có khả năng sẽ tiếp tục xuất khẩu gạo, cùng với đồng Baht mạnh hơn có thể khiến xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm xuống còn từ 7 triệu tấn đến 7,5 triệu tấn.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })